Thể chế chính trị Nhà_Liêu

Tượng Phật La Hán thời Liêu.

Do Liêu là quốc gia đa dân tộc, thể chế chính trị của Liêu dung hợp thể chế Khiết Đan và thể chế Đường-Tống, hình thành Nam-Bắc viện chế. Nam-Bắc viện chế phân thành Bắc diện quan chế và Nam diện quan chế, "lấy chế độ "bản tộc" chế trị Khiết Đan, lấy chế độ Hán chế đãi người Hán", nhờ đó mà bảo hộ được văn hóa và thể chế chính trị cố hữu của người Khiết Đan.[7]:48 Bắc diện quan trị lý cung trường, bộ tộc, thuộc quốc; Nam diện quan trị lý châu huyện, tô thuế, binh mã của người Hán, dựa theo tập quán mà cai trị.[35]:85

Trong Bắc diện quan chế, Bắc-Nam xu mật viện là quan chế tối cao của triều Liêu, Bắc xu mật viện quản lý việc quân chính của toàn quốc, tương tự như Binh bộ thời Đường; Nam xu mật viện phụ trách các vấn đề như thuyên tuyển, thu thuế. Bên dưới Xu mật viện, còn đặt ra Bắc-Nam tể tướng phủ, Bắc-Nam tể tướng, đều do hoàng tộc Da Luật thị và hậu tộc Tiêu thị kiểm soát. Ngoài ra, còn có 'Bắc-Nam đại vương viện' quản lý công việc quân dân Khiết Đan hoặc Hán, 'Bắc-Nam tuyên huy viện' quản lý việc cung phụng của các cơ quan trong cung, 'Đại nội dịch ẩn ty' quản lý giáo dục hoàng thất, 'Di ly tất viện' quản lý hình ngục, 'Đại lâm nha viện' quản lý việc văn chương, 'Địch liệt ma đô ty' quản lý lễ nghi.[39] Tên chức và nhiệm vụ của quan lại trong Nam diện quan chế tiếp nối chế độ triều Đường, đồng thời tham chiếu quan chế Ngũ Đại và Tống, đặt ra Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Thượng thư tỉnh, Lục bộĐại lý tự;[4]:34 có phân thành thực thụ hoặc diêu thụ (tức nhậm chức từ xa). Quan lại dựa theo ngôi bậc, công lao mà được phong tước và thực ấp hộ, cùng các hỗ trợ khác. Liêu có nhiều quan danh bằng tiếng Khiết Đan, như 'lâm nha' tức là 'hàn lâm', 'dịch ẩn' quản lý chính giáo của hoàng tộc, 'di ly tất' quản lý hình ngục, 'ất lý miễn' là 'cáo mệnh phu nhân'.[4]:35

Pháp luật triều Liêu dựa theo tập quán mà trị, cho nên các địa phương sử dụng pháp luật không giống nhau. Thời kỳ đầu có sự kỳ thị dan tộc, đến thời Liêu Thánh Tông thì hình luật dành cho người Khiết Đan cũng được xét theo luật Hán, phản ánh địa vị của người Hán được tăng lên. Nhìn chung thì hình phạt thời Liêu khá nặng, song hoàng đế thường tùy ý giết người, không tuân theo pháp luật, đặc biệt là Liêu Mục Tông.[4]:43

Thời Liêu, tuy lấy Thượng Kinh làm thủ đô, song hạch tâm chính trị không nằm tại thủ đô, mà nằm tại 'nại bát' (捺缽, một từ tiếng Khiết Đan có thể dịch thành 'hành doanh'). Do người Khiết Đan sống du cư không ổn định, xe và ngựa là nhà, hoàng đế phải thường xuyên tuần thú. Toàn bộ các vấn đề chính trị trọng đại đều được quyết định tại nại bát, là trung tâm hành chính xử lý chính vụ. Hoàng đế tại nơi săn bắn cho lập nên hành trướng, để phân biệt với cung trướng của hoàng đô. Tùy theo điều kiện khí hậu tự nhiên, bốn mùa lại có mỗi khu vực nại bát, tức "Xuân nại bát", "Hạ nại bát", "Thu nại bát", "Đông nại bát".[4]:14

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Liêu http://www.britannica.com/EBchecked/topic/338833 http://images.gg-art.com/viewNews/index_b.php?news... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85024064 http://www.apu.ac.jp/~yoshim/B4.pdf http://www.chiculture.net/1702/html/1702c15.html http://www.jstor.org/stable/1005570 http://www.jstor.org/stable/25066819 http://authority.ddbc.edu.tw/place/search.php?ml=%... http://authority.ddbc.edu.tw/place/search.php?ml=%... http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/...